Khi bước ra khỏi cánh cửa đại học, mỗi người đều háo hức mang trong mình một niềm tin mãnh liệt, một hoài bão mong muốn thay đổi cuộc đời. Một số người thành công, một số người vẫn loay hoay tìm kiếm đam mê và một số người lại bị bủa vây bởi những khoản nợ mỗi tháng, mỗi ngày… Vì thế nên đã có nhiều bài viết trên báo chí phản ánh tình trạng một bộ phận trẻ không dám kết hôn, sinh con vì chưa lo được tài chính cho bản thân.
Bạn có đang hài lòng với tình trạng tài chính hiện tại? Nếu được quay lại năm 20 tuổi, trước khi tốt nghiệp đại học, bạn sẽ làm gì để đạt được độc lập tài chính và tự do quyết định cuộc đời mình?
Dưới đây là 6 điều BUFF tâm đắc muốn chia sẻ đến các khách hàng đang độ tuổi genZ, cùng xem những điều này có cùng suy nghĩ với bạn không nhé.
Nội dung bài viết
Ngừng sử dụng thẻ tín dụng
Vào thời điểm bước ra khỏi cánh cửa đại học, chúng ta hầu đều có ít sự trải nghiệm và hiểu biết về tài chính. Chúng ta bước ra khỏi vòng tay gia đình với nhiều sự mới mẻ và muốn được khám phá. Nếu sử dụng thẻ tín dụng từ sớm cùng với sự non nớt trong việc quản lý tiền bạc, chúng ta dễ rơi vào bẫy tài chính, chi tiêu không kiểm soát, dẫn đến tiêu trước trả sau, mượn nợ ngân hàng và tiền lương chưa đến tay đã phải thanh toán thẻ visa. Hãy phá bỏ thói quen này ngay bây giờ và không sử dụng nó dù trong trường hợp khẩn cấp.
Thay vào đó, chúng ta nên thiết lập một quỹ dự phòng bảo vệ bản thân, quỹ dành cho kế hoạch tương lai hay kể cả quỹ đầu tư. Nợ nần thường mang lại cho mọi người cảm giác bất an, căng thẳng, vì vậy không sử dụng thẻ tín dụng sẽ giúp bạn tránh được bẫy tiêu dùng và không phải còng lưng trả tiền lãi mỗi tháng.
Bắt đầu tiết kiệm cho nghỉ hưu
Bạn có thể đang còn trẻ và nghĩ là từ từ hãy suy nghĩ đến việc này, nhưng thực tế là càng bắt đầu sớm bạn sẽ càng có khả năng độc lập tài chính và tự do làm những gì mình muốn trong đời mà không cần phải lo lắng về tiền bạc. Bạn có thể bắt đầu tiết kiệm một số tiền nhỏ mỗi tháng, học về lãi kép, đầu tư để biết cách vận hành đồng tiền và giúp tiền đẻ ra tiền.
Bài viết “Làm thế nào để độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm” của BUFF sẽ hướng dẫn bạn cách lên kế hoạch và từng bước thực hiện mục tiêu này.
Lên mục tiêu và xây dựng kế hoạch tài chính vững chắc
Chúng ta không thể thực hiện một chuyến đi mà không có điểm đến chắc chắn. Tương tự như vậy, việc lên mục tiêu và xây dựng kế hoạch tài chính vững chắc sẽ giúp bạn biết mình muốn đi đâu về mặt tài chính. Sau đó, bạn có thể xác định từng bước thực hiện để đạt được mục tiêu đó.
Bài viết “Hướng dẫn lên kế hoạch và mục tiêu tài chính trong năm mới” của BUFF sẽ chỉ dẫn bạn từng bước xây dựng mục tiêu theo SMART goal và tìm ra lý do bên trong thôi thúc bạn hoàn thành mục tiêu.
Tiết kiệm cho mục tiêu mua nhà
Nhà là một tổ ấm, nơi bắt đầu cho một cuộc sống, cũng là chốn dừng chân bình yên và là tài sản sở hữu an toàn cho bạn về lâu dài. Khi đã có nhà, bạn có thể yên tâm tập trung vào sự nghiệp, phấn đấu trong công việc mà không cần phải lo lắng về một nơi an cư cho cuộc sống.
Thiết lập và tiết kiệm cho quỹ dự phòng
Những biến cố trong cuộc sống có thể dễ dàng xảy đến khiến chúng ta không ngờ tới, vì vậy chuẩn bị một quỹ khẩn cấp cho bản thân sẽ giúp bạn yên tâm về mặt tài chính. Đầu tiên, bạn cần tiết kiệm một quỹ khẩn cấp bằng 3-12 tháng sinh hoạt và gửi nó vào tài khoản tiết kiệm linh hoạt có thể rút ra bất kỳ lúc nào. Sau đó, bạn tiết kiệm thêm tiền mua bảo hiểm nhân thọ bảo vệ sức khỏe và tính mạng của bản thân. Hiểu rằng, khi bạn lớn lên và trưởng thành cũng là lúc bố mẹ bạn ngày càng già đi, bạn sẽ dần trở thành trụ cột, chỗ dựa và là người thân chăm sóc cho họ. Hay sau này khi bạn kết hôn, bạn sẽ trở thành trụ cột của gia đình, là cha, là mẹ bảo vệ cho những đứa con thân yêu của mình. Chính vì vậy, nếu có điều kiện bạn nên mua bảo hiểm cho bản thân càng sớm càng tốt.
Bạn có thể đọc thêm bài viết về Quỹ dự phòng khẩn cấp của BUFF để hiểu rõ mục đích và cách vận hành của quỹ này.
Lập ngân sách chi tiêu mỗi tháng và theo dõi, ghi chép chi tiêu mỗi ngày
Lập ngân sách là một thói quen quan trọng giúp bạn đạt được các mục tiêu tài chính trong tương lai. Hàng tháng khi phân bổ tiền cho từng khoản chi tiêu, bạn nên dành một số tiền nhất định vào các quỹ tiết kiệm, dự phòng, nghỉ hưu, y tế, mua nhà… để đảm bảo mọi thứ đã được sắp xếp ổn thỏa. Ngoài ra, theo dõi và ghi chép chi tiêu mỗi ngày còn giúp bạn ngăn bội chi, kiểm soát tiền bạc và đánh giá được các khoản chi tiêu đã hợp lý hay chưa.
5 phương pháp quản lý tài chính dễ dàng trên blog của BUFF sẽ giúp bạn tìm kiếm được phương pháp lập ngân sách và quản lý chi tiêu phù hợp với bản thân.
Trên đây là 6 điều nếu được quay trở lại độ tuổi 20, BUFF sẽ thực hiện và bắt đầu từ sớm. Bạn có giống BUFF không? Nếu bạn đang gặp vấn đề về tài chính và cần BUFF hỗ trợ, hãy trở thành khách hàng thân thiết để được đội ngũ chuyên gia BUFF hỗ trợ và tư vấn miễn phí nhé!
Minh Phượng