CHUYỂN ĐỘNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA (11/10 – 15/10)
Tháng 10 là tháng BCTC quý 3 của các doanh nghiệp, thị trường có phần sôi động hơn nhưng vẫn chưa thật sự bứt phá do nhà đầu tư đang chờ đợi các thông tin tích cực từ doanh nghiệp, chính trị và sự hồi phục của kinh tế. Thanh khoản bình quân toàn thị trường tăng mạnh 9% lên mức 26.591 tỷ đồng
Đóng cửa phiên cuối tuần, chỉ số VN-Index đạt 1.392,7 điểm, tương ứng tăng tới 37.84 điểm (2,8%) so với đầu tuần. HNX-Index cũng tăng 3,47% lên mức 384,84 điểm và UPCoM-Index tăng 1,2% lên 99,44 điểm.
Xét theo mức độ đóng góp, VIC, HPG, TCB và CTG là những cổ phiếu đóng góp tích cực nhất, giúp VN-Index tăng tổng cộng hơn gần 9 điểm. Về chiều ngược lại, VHM, VCB và HVN kéo giảm VN-Index xuống hơn 4 điểm.
Cổ phiếu ngành sản xuất nhựa và hóa chất là nhóm dẫn đầu đà tăng của VN-Index, với mức tăng mạnh 4.49%. Lại một tuần giao dịch trôi qua mà các cổ phiếu phân bón thu hút sự chú ý của nhà đầu tư khi mà DPM và DCM bật tăng mạnh lần lượt ở mức 14.30% và 15.75%. Các cổ phiếu khác trong nhóm cũng tăng khá tốt trong tuần vừa rồi, GVR, DGC hay PHR đều đồng loạt tăng khoảng 3-5%. Theo ngay đó là ngành vật liệu xây dựng cũng có nhiều phiên khởi sắc và kết phiên với mức tăng 2.93%. Dòng tiền vẫn tiếp tục đổ về những cổ phiếu thép. Cổ phiếu HPG tăng 2.87%, HSG tăng mạnh 4.41%, NKG bật mạnh gần 8%, POM nhích nhẹ hơn 2%.
Các cổ phiếu bất động sản tăng 1.89% trong tuần vừa rồi, mạnh hơn mức tăng của thị trường chung. Đà tăng này đến phần lớn từ các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp. Có thể kể đến như cổ phiếu NLG với mức tăng 6.14%, LHG tăng hơn 5% hay như SZC bật mạnh hơn 9%.
Cổ phiếu tăng tiêu biểu trong tuần qua là SFG và KSF.
SFG tăng 22.71%: SFG có tuần giao dịch tích cực khi tăng gần 23% về giá, tiến lên mức 16,750 đồng/cp. Đi kèm với đó là khối lượng giao dịch tăng cao. Việc giá phân bón tăng cao thúc đẩy triển vọng về lợi nhuận của các doanh nghiệp phân bón là nguyên nhân chính dẫn đến đà tăng của các cổ phiếu thuộc nhóm này.
KSF tăng 29.73%: Sau khi lên sàn giao dịch ngày đầu tiên vào ngày 06/10/2021, cổ phiếu KSF liên tục có những phiên tăng trần. Trong tuần qua, cổ phiếu này tăng khá ấn tượng với mức tăng gần 30%, tiến lên mức 73,300 đồng/cp.
Cổ phiếu giảm giá mạnh trong tuần qua là CLM.
CLM giảm 32.58%: CLM hoạt động chính là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu trực tiếp và ủy thác than mỏ, các sản phẩm chế biến từ than. Được kỳ vọng hưởng lợi từ giá than thế giới tăng nóng trong thời gian qua, cổ phiếu CLM gây ấn tượng với chuỗi 8 phiên liên tục tăng kịch trần từ ngày 29/09 đến 08/10/2021. Tuy nhiên trên thực tế, cơn sốt giá than thế giới không tác động nhiều tới giá than trong nước. Sau khi tăng sốc thì CLM đã có tuần giao dịch hết sức ảm đạm khi giảm mạnh hơn 32%, trong đó có tới 3 phiên giảm sàn. Hiện CLM đang giao dịch với mức giá 30,000 đồng/cp.
Về giao dịch khối ngoại, giá trị giao dịch bình quân trong tuần của nhà đầu tư nước ngoài tăng lên mức 3.614 tỷ đồng, chiếm 7,4% tỷ trọng toàn thị trường. Điểm trừ lớn là việc họ tiếp tục chuỗi bán ròng trên toàn thị trường với giá trị bán ròng cả tuần ghi nhận 3.384 tỷ đồng, tương ứng khối lượng ròng xấp xỉ 35 triệu cổ phiếu trong tuần vừa qua.
TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN
Thị trường BĐS công nghiệp phía Bắc sẽ thế nào trong cuối năm? Theo báo cáo của CBRE Việt Nam, nếu BĐS công nghiệp miền Nam đóng băng thì BĐS công nghiệp phía Bắc vẫn hoạt động ổn định.
Trong 9 tháng năm 2021, tỷ lệ lấp đầy trung bình khu công nghiệp tại năm tỉnh và thành phố công nghiệp chính tại miền Bắc (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng) đạt 78,5%, tăng 0,5 đpt theo năm. Tương tự, tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp tại bốn tỉnh và thành phố công nghiệp chính tại miền Nam đạt 87,2%, tăng 0,2 đpt theo năm.
Nhà thấp tầng đang “ế ẩm”: Theo báo cáo tổng quan thị trường bất động sản Hà Nội quý III/2021, Savills Việt Nam cho biết, phân khúc nhà thấp tầng, bao gồm biệt thự và nhà liền kề tại Hà Nội có diễn biến trầm lắng, với tỷ lệ hấp thụ dự án thấp nhất trong 5 năm gần đây.
“Về quê nuôi cá và trồng rau” – giấc mơ xa vời với người trẻ khi giá đất ở quê đắt ngang ngửa Hà Nội: Cơn sốt đất những năm qua đã kéo theo giá đất nông thôn biến động nhanh chóng. Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), trong vòng 3 năm trở lại đây, đất các địa phương vùng ven Hà Nội như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên, Phú Thọ đều tăng nhanh chóng. Khảo sát thực tế cho thấy, giá đất tăng trung bình từ 50-150%, cá biệt có nhiều khu vực xảy ra sốt nóng, giá đất tăng tới 200-300%.
Dự báo từ cuối năm 2023 bất động sản nghỉ dưỡng mới có thể phục hồi: Tốc độ triển khai tiêm chủng trên toàn quốc đã đem đến nhiều tín hiệu tích cực cho quá trình phục hồi của ngành nghỉ dưỡng. Tuy nhiên để có thể quay trở lại mức độ hoạt động như trước đại dịch (năm 2019) các chuyên gia dự báo có thể sẽ cần đến khoảng cuối năm 2023 hoặc năm 2024 khi thế giới đạt được miễn dịch cộng đồng và các hoạt động du lịch quốc tế được khôi phục trở lại.
TIN TỨC NGÂN HÀNG
Người dân “chán” gửi tiền ngân hàng khi lãi suất thấp:
Với bối cảnh lãi suất huy động duy trì ở mức rất thấp, trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua, tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng gần như không tăng… Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong tháng 8/2021, người dân đã rút ròng 986 tỷ đồng khỏi hệ thống ngân hàng.
Trước đó, ở tháng 7/2021, người dân cũng chỉ gửi ròng vỏn vẹn 1.250 tỷ đồng. Như vậy trong hai tháng 7 và 8 vừa qua, gần như người dân không gửi thêm tiền vào hệ thống ngân hàng. Luỹ kế đến cuối tháng 8/2021, tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng chỉ tăng 2,95% so với đầu năm. Con số này thấp hơn đáng kể mức tăng cùng kỳ năm ngoái là 5,46% và cũng thấp hơn nhiều cùng kỳ các năm trước đó (8 tháng năm 2019: 8,39%; 8 tháng năm 2018: 8,47%; 8 tháng năm 2017: 12%; 8 tháng năm 2016: 15,43%).
(Tổng hợp từ nhiều nguồn)