Thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán tuần 8-12/11 mở cửa với tâm lý tích cực của nhà đầu tư sau khi VN-Index lập đỉnh mới. Thị trường có phiên giao dịch đầu tuần với mức tăng hơn 11 điểm, tuy nhiên diễn biến giằng co liên tiếp diễn ra phần lớn thời gian giao dịch sau đó, trước khi phục hồi và lấy lại toàn bộ điểm số “đánh mất” nhờ sự trở lại của một số cổ phiếu nhóm trụ cột.
Trong khi các cổ phiếu vốn hoá lớn diễn biến phân hoá, sự tập trung đổ dồn vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Dòng tiền cuồn cuộn đổ vào thị trường giúp hàng loạt cổ phiếu midcaps và penny dậy sóng với các phiên tăng hết biên độ. Tiêu biểu như phiên cuối tuần đã ghi nhận kỷ lục 127 cổ phiếu sàn UPCoM tăng kịch trần, tương ứng cứ 2 mã cổ phiếu tăng lại có 1 mã tăng hết biên độ, dư mua giá trần lên tới hàng triệu đơn vị.
Đóng cửa phiên cuối tuần, chỉ số VN-Index đạt 1473,37 điểm, tương ứng tăng 16,86 điểm (1,16%) so với đầu tuần. Cùng chiều, HNX-Index trong một tuần tăng 3,3% lên mức 441,63 điểm và UPCoM-Index tăng 2,2% lên 110,66 điểm.
Về giao dịch khối ngoại, theo cùng xu hướng dòng tiền mạnh chảy vào thị trường, giá trị giao dịch bình quân trong tuần của nhà đầu tư nước ngoài tăng gần 4% so với tuần trước lên mức 3.509 tỷ đồng, chiếm 4,5% tỷ trọng toàn thị trường. Điểm trừ là họ tiếp tục bán ròng trên toàn thị trường với giá trị bán ròng cả tuần ghi nhận 1.368 tỷ đồng, khối lượng bán ròng khoảng 39 triệu cổ phiếu trong tuần vừa qua.
Thanh khoản kỷ lục
Tuần qua, thị trường chứng khoán tăng tốc với thanh khoản xác lập kỷ lục đỉnh lịch sử. Cụ thể, giá trị giao dịch bình quân đạt 36.300 tỷ đồng/hai sàn.
Theo đó, giá trị giao dịch trên sàn HoSE xấp xỉ 159.800 tỷ đồng/tuần (tăng 21%), tương ứng khối lượng giao dịch gần 5.500 triệu cổ phiếu (tăng 23%). Và, giá trị giao dịch trên HNX đạt 21.700 tỷ đồng/tuần (tăng 23%) với khối lượng gần 880 triệu cổ phiếu (tăng 19%).
Dự báo tuần 15-19/11: VN-Index sẽ hướng đến vùng kháng cự mạnh 1.480-1.500 điểm và đà rung lắc sẽ tiếp tục diễn ra. Với những cổ phiếu đã tăng nóng, nhà đầu tư nên cân nhắc chốt lời và hiện thực hóa lợi nhuận. Thanh khoản vẫn duy trì ở mức cao và VN-Index hướng tới đỉnh cao mới.
Tin tức ngân hàng
– Lạm phát kéo lãi suất cuối năm: Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu ngày càng tăng, áp lực lạm phát với Việt Nam không còn là nỗi lo xa. Điều này có nguy cơ gây sức ép đối với lãi suất. Lạm phát năm 2021 của Việt Nam được dự báo sẽ tăng 2,5-2,7% do sức cầu hiện rất yếu và vòng quay tiền rất chậm, khoảng 0,65 lần so với thời kỳ cao điểm là 2 lần. Sức cầu yếu khiến Việt Nam rơi vào thế lưỡng nan vì việc phục hồi kinh tế sẽ khó khăn hơn và trọng tâm phục hồi sẽ cần nhắm vào việc kích cầu (cả ở phía cầu tiêu dùng lẫn phía sản xuất). Cầu yếu và vòng quay tiền chậm sẽ giúp kiểm soát lạm phát thấp trong ngắn hạn, nhưng gây áp lực lâu dài lên lạm phát.
– USD trở nên đắt đỏ vì lạm phát: Chỉ số Dollar index phiên cuối tuần đã tăng lên mức cao nhất một năm, kết thúc tuần này ở mức 95,27 (cao nhất kể từ tháng 7 năm 2020), trong khi euro và bảng Anh – chiếm lần lượt 58% và 12% trong chỉ số Dollar index – giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Theo đó, euro kết thúc tuần ở mức 1,1436 USD, thấp nhất trong vòng 16 tháng, còn bảng Anh ở mức 1,3354 USD, thấp nhất trong năm nay.
Tin tức bất động sản
– Giá căn hộ Hà Nội và TP.HCM đang có sự bất thường: Giá căn hộ ở Hà Nội, TP.HCM đang tồn tại sự bất thường xuất phát từ vấn đề lệch giữa cung và cầu của thị trường bất động sản (BĐS). Giá căn hộ bị đẩy cao còn đất nền thì khan hiếm.
– Thị trường “đóng băng”, giá đất vùng ven Đà Nẵng vẫn tăng: Giao dịch giảm hơn 90% nhưng đất nền khu vực Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà vẫn có giá vài tỷ đồng/100 m2, còn ở vùng ven cũng tăng nhẹ.
– Chờ giá hạ nhiệt hay “xuống tiền” mua BĐS thời điểm này?: Theo các chuyên gia, thay vì chờ đợi giá nhà giảm vì ảnh hưởng của dịch bệnh, các chuyên gia cho rằng người mua nhà có nhu cầu ở thật nên tranh thủ thời gian này để đưa ra quyết định bởi có nhiều điều kiện thuận lợi. Ngoài ra, giá nhà sẽ không giảm mà còn được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
(Tổng hợp từ nhiều nguồn)