Thẻ tín dụng dùng để chi tiêu và thanh toán ngày càng trở lên quen thuộc trong cuộc sống hiện đại của giới trẻ. Sự tiện dụng của chúng đã tạo ra lực hấp dẫn lớn đối với họ vì vừa có thể tiêu trước trả sau, vừa thanh toán ở Việt Nam và cả quốc tế.
Nam, 27 tuổi, sống tại Hà Nội và bắt đầu sử dụng thẻ tín dụng từ khi đi làm. Anh dùng thẻ tín dụng để mua xe, laptop, điện thoại phục vụ cho công việc, lâu lâu anh cũng không tiếc tay chi cho những chuyến du lịch tận hưởng cuộc sống và nạp lại năng lượng làm việc. Thậm chí khi thiếu tiền, anh sẵn sàng rút tiền mặt từ thẻ tín dụng. Hiện tại, Nam nợ tín dụng 60 triệu và chỉ trả được số tiền tối thiểu mỗi tháng.
Nhiều người cũng giống Nam nghĩ mở thẻ tín dụng sẽ giúp thanh toán thuận tiện, đáp ứng nhu cầu mua sắm, chi trả cho những chuyến du lịch và trải nghiệm khi chưa đủ điều kiện tài chính. Nhưng thực tế hoàn toàn không phải vậy, chính những hiểu biết sai lầm đó là thứ khiến chúng ta ngập ngụa trong nợ nần và khó khăn về tiền bạc trong tương lai.
Bẫy tài chính từ thẻ tín dụng
Một số người trẻ bị mắc kẹt trong chính suy nghĩ của mình và tự tẩy não rằng thẻ tín dụng cùng những khoản vay nợ là một phần tất yếu của cuộc sống. Thực tế là chi tiêu không có kiểm soát và lệ thuộc vào thẻ tín dụng chính là bạn đang tự chất thêm nợ cho mình và vun đắp tài sản cho ngân hàng.
Điều này xuất phát một phần từ việc người trẻ hiện tại có xu hướng sống YOLO (You only live once), sẵn sàng chi tiêu hết tiền lương cho mua sắm, du lịch, ăn uống và trải nghiệm. Đến một thời điểm khi họ nhận ra mình bị lệ thuộc vào thẻ tín dụng, hình thành thói quen mua trước trả sau thì đã rỗng túi và rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.
Một số người khác lại sử dụng thẻ tín dụng để mua trả góp không lãi suất khi chưa đủ điều kiện thanh toán toàn bộ sản phẩm hoặc dịch vụ. Điều này khiến cho họ dễ bị rơi vào bẫy tiêu dùng, mua sắm vượt khả năng chi trả của bản thân vì không tự tay thanh toán các khoản tiền đó. Ngoài ra khi mua trả góp, họ còn phải trả một khoản tiền chênh lệch và phí đi kèm so với mua trả thẳng. Hình thức trả góp không giúp họ giàu có hơn mà chỉ cổ vũ họ mua sắm nhiều hơn và lấy tiền từ chỗ này đắp sang chỗ kia.
Một bộ phận khác kiếm được nhiều tiền hơn thì lựa chọn mua nhà, mua xe ô tô trả góp bằng thẻ tín dụng. Họ nghĩ rằng mua những thứ này là đang tích lũy tài sản cho mình, không cần bỏ ra quá nhiều tiền nhưng có thể sở hữu những thứ đáng giá. Mặc dù vậy, họ lại chưa hề nhìn đến những chi phí khác mà nhà cửa, xe cộ đem lại: thanh toán nợ hàng tháng, trả tiền thuế, tiền bảo hiểm, tiền bảo trì sửa chữa… Nếu chẳng may bị mất việc làm do dịch bệnh, thị trường nhà đất đi xuống thì, lúc đó nguy cơ phải đối mặt còn nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Nguy hiểm hơn, một số người còn rút tiền từ thẻ tín dụng để chơi chứng khoán hoặc đầu tư kinh doanh mà chưa nắm chắc phần thắng. Họ lầm tưởng rằng chơi chứng khoán, đầu tư kinh doanh sẽ sinh lời hơn so với lãi suất phải trả ngân hàng. Thực tế hoàn toàn ngược lại, điều này chỉ khiến cho họ bị căng thẳng và áp lực hơn trong quá trình mua bán chứng khoán và kinh doanh. Thời gian chưa đủ dài để sinh lời từ đầu tư đã phải kiếm tiền trả nợ. Cuối cùng, họ mất tất cả tiền bạc, sống trong lo âu và và căng thẳng vì nợ nần.
Bài học rút ra là: một người chưa có kiến thức về tài chính, họ dễ lầm tưởng thẻ tín dụng như một tài sản mà họ có thể thoải mái chi tiêu và sử dụng. Thực chất, thẻ tín dụng lúc này chính là tiêu sản, nó rút tiền từ túi của họ chuyển qua cho ngân hàng và khiến họ ngày càng trở lên khánh kiệt về tài chính.
Hiểu biết đúng về thẻ tín dụng
Một người độc lập về tài chính, biết cách sử dụng thẻ tín dụng thông minh. Thẻ tín dụng sẽ trở thành tài sản tạo ra thu nhập cho bạn.
- Sử dụng thẻ tín dụng mua hàng online sẽ được hoàn lại tiền hoặc giảm tiền trên đơn hàng.
Với những bạn là dân văn phòng, có gia đình hoặc con nhỏ thường xuyên thanh toán online cho các chi tiêu thiết yếu và đóng học cho con cái thì sử dụng thẻ tín dụng rất hiệu quả.
Đối tượng áp dụng: người có hợp đồng lao động và lương chuyển khoản qua ngân hàng do các ngân hàng sẽ yêu cầu những giấy tờ và thông tin công ty làm việc để làm thẻ tín dụng.
Điều kiện sử dụng: tổng chi tiêu hàng tháng của bạn tương ứng với hạn mức thẻ tín dụng và bạn chỉ sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán thay thế cho thẻ ATM hoặc tiền mặt.
Các chi tiêu bạn nên thanh toán bằng thẻ tín dụng:
- Đi siêu thị, cửa hàng tiện ích
- Đóng học phí cho bản thân, con cái
- Thanh toán tiền bảo hiểm
Một số loại thẻ ngân hàng bạn có thể tham khảo sử dụng để hoàn tiền mua sắm như:
Thẻ tín dụng HSBC : hoàn 6% cho siêu thị, cửa hàng tiện ích, tối đa 200.000 VND/tháng
Thẻ tín dụng Sacombank : hoàn 5% cho thanh toán online, tối đa 600.000 VND/tháng
VPLADY và một số loại khác: hoàn 2%, tối đa 300.000-600.000 VND/ tháng. Với thanh toán bảo hiểm VPLADY sẽ hoàn 6%, tối đa 600.000 VND/tháng.
2. Sử dụng thẻ tín dụng để mua nhà, mua xe ô tô trả góp
Bạn có thể sử dụng thẻ tín dụng để trả góp mua nhà, mua xe khi số tiền thanh toán hàng tháng cả vốn lẫn lãi không vượt quá 30% thu nhập. Điều này không thật sự mang lại tài sản cho bạn trừ khi bạn kiếm được tiền từ nhà và xe ô tô, nhưng sẽ giúp bạn kiểm soát được tiền bạc và không rơi vào tình trạng khốn khó nếu như có những chuyện không may xảy ra.
3. Sử dụng thẻ tín dụng làm nguồn vốn kinh doanh
Nếu bạn có sự nhanh nhạy và khả năng kinh doanh, bạn có thể dùng thẻ tín dụng để mua sắm trong đợt sale off của các thương hiệu lớn và mua đi bán lại với khách hàng hay khách hàng đặt trước và giao hàng sau. Lúc này, thẻ tín dụng như tài sản tạo ra thu nhập cho bạn và giúp bạn kiếm ra nhiều tiền hơn.
Khi bạn có hiểu biết về tài chính và độc lập về tiền bạc, bạn sẽ biết phân biệt chi tiêu nào tạo ra tài sản và chi tiêu nào tạo ra tiêu sản. Từ đó, thẻ tín dụng giống như một công cụ để giúp bạn kiếm ra được nhiều tiền hơn.
Dân trí ngày một phát triển thì việc sử dụng thẻ tín dụng sẽ ngày càng gia tăng. Vì thế ngay từ đầu chúng ta nên chủ động học hỏi kiến thức về tài chính, quy định khi sử dụng và giao dịch thẻ tín dụng để chi tiêu một cách khôn ngoan hơn. Hãy học cách kiểm soát tiền bạc, để thẻ tín dụng làm việc cho mình chứ không phải bạn chạy theo nó, rơi vào cạm bẫy tài chính và nợ nần không lối thoát.
(Theo Minh Phượng)