Đối với những người sợ số, việc lập ngân sách có lẽ là việc khó khăn, nhàm chán và nghĩ rằng “lập ngân sách bằng đầu” là đủ. Nhưng hầu hết những người lập ngân sách bằng suy nghĩ trong đầu đầu thường thâm hụt tài chính mỗi tháng, vì những lý do như sau:
- Dễ dàng quên các khoản chi trong ngày.
- Mua sắm tùy hứng vì không nhớ tới mục tiêu đầu tháng.
- Mục tiêu tài chính đặt ra trước kì nhận lượng thuộc trí nhớ ngắn hạn.
- Không thực sự hiểu sâu tài chính của mình.
- Sai lầm lớn khi xem tài chính không phải là mối bận tâm hay cần thiết phải dành nhiều thời gian cho nó.
- Chi tiêu nhanh hơn tốc độ kiếm tiền.
Để kiểm tra khả năng ghi nhớ của bản thân, bạn hãy thử nghĩ tuần trước, tháng bạn dùng tiền vào việc gì và liệt kê chi tiết mà không bỏ sót một khoản chi nào. Có thể đặt được vào cuộc kiểm tra này rằng bạn có thể sẽ “lãng quên” một vài khoản mua sắm nhỏ. Nhiều người đã từng thử 3 ngày không ghi chép các khoản chi và khi rà soát lại vẫn thiếu một vài chi tiêu lặt vặt. Tuy không đáng bao nhiêu so với thu nhập tổng, nếu bạn nghĩ vậy, thì một tháng hoặc nhiều tháng liên tục không còn là chuyện nhỏ nữa.
Hãy bắt tay lập ngân sách ngay từ hôm nay và lên kế hoạch tích lũy tiền bạc cho mục tiêu lâu. Bước chuẩn bị lập ngân sách để bạn nhìn lại về tình hình tài chính của bản thân và đưa ra các giải pháp lâu dài.
Nội dung bài viết
1. Hiểu về tài chính của bạn
Với bước này, chúng ta cùng nhau lập một bảng cân đối kế toán cho chính mình. Bạn đừng nghĩ rằng chỉ có các doanh nghiệp mới cần đến bản cân đối này, cá nhân mỗi người nên có một bản cân đối kế toán cho riêng mình.
Tại sao cần lập bảng cân đối kế toán?
- Bảng cân đối kế toán là bức tranh mô tả tình hình tài chính của bạn ở một thời điểm xác định.
- Kiểm tra những gì bạn đang sở hữu và đang nợ.
Cách tính:
Giá trị ròng = Tài sản – Nợ hiện có
Trong đó:
Giá trị ròng là giá trị tài sản mà một cá nhân sở hữu trừ đi các khoản nợ phải trả. Số liệu này phản ánh sức khỏe tài chính của bạn, cung cấp cái nhìn hữu ích và bao quát toàn bộ tình hình tài chính của mỗi người.
Tài sản gồm:
– Tiền mặt, tiền trong tài khoản
– Khoản đầu tư
– Tài sản hữu hình (nhà cửa, đất đai, quần áo, nội thất, xe cộ,…)
Nợ hiện có:
– Hóa đơn gần đây (điện nước, điện thoại, gas, mạng, cáp,…)
– Nợ dài hạn (mua nhà, mua xe, nợ tín dụng,…)
Lưu ý nhỏ: với tài sản hữu hình, bạn thử ước lượng giá tại thời điểm hiện có, không dùng giá lúc mới mua về, vì những đồ dùng này đã qua sử dụng, giá sẽ hao hụt theo từng năm.
Giá trị ròng chỉ đánh giá tình hình tại một thời điểm nhất định. Nếu giá trị ròng của bạn âm, đừng buồn vì có thể bạn sử dụng nhiều chi phí cho học tập, đầu tư chưa thu hồi vốn, con cái,…
2. Lập danh sách các khoản thu nhập hiện có
Bạn hãy tình thử các khoản thu của bạn đến từ đâu, sau khi trừ thuế thu nhập cá nhân còn lại bao nhiêu. Ở bước này, bạn có thể viết ra thu nhập mong muốn của bản thân trong thời gian tới và đặt ra kế hoạch làm việc gì để đạt được mức thu nhập mong đợi đó.
Nếu bạn đang có công việc mức lương ổn định không phụ thuộc vào doanh số, việc lập ra danh sách khoản thu rất dễ dàng. Nếu bạn làm công việc biến động theo từng tháng, hãy lấy trung bình cộng thu nhập của 3 tháng gần nhất để làm mốc thu nhập cố định. Nếu bạn đang tự điều hành doanh nghiệp riêng, hãy tự trả cho mình một khoản lương, điều này tương tự đối với freelancer.
Sau khi bạn lập danh sách các khoản thu hiện có, hãy đến với bước tiếp theo.
3. Lập danh sách chi phí cố định và biến đổi
Chi phí cố định là những khoản không biến đổi mà bạn phải trả một khoản tiền nhất định trong mỗi tháng. Có thể liệt kê những khoản chi phí cố định như sau:
- Tiền thuê nhà trọ
- Internet
- Học tập
- Điện thoại (Nếu bạn dùng thuê bao trả sau)
- Gói mạng 4G/5G
- Các khoản nợ trả góp
Chi phí biến đổi là những khoản không cố định do phụ thuộc vào yếu tố khách quan như giá thị trường,…
- Tiền xăng xe
- Phí điện thoại (nếu trả trước)
- Ăn uống bên ngoài
- Mua hàng ở siêu thị, tạp hóa
- Điện
- Nước
Việc phân loại các loại chi phí giúp bạn kiểm soát tình hình tài chính bằng cách cố định những khoản chi phí biến đổi. Bạn hãy gom những khoản chi phí biến đổi lại và xem xét có cách nào để cắt giảm những khoản chi quá nhiều so với thu nhập hay không. Nếu bạn không nhớ, hãy thử theo dõi trong vòng 3 tháng bằng cách ghi chép chi tiết nhất có thể. 3 tháng không là gì nếu bạn nhìn về tương lai 3 năm và 30 năm tới bạn kiểm soát được đồng tiền và chi phối nó theo ý của mình, điều này chắc chắn sẽ giúp bạn có động lực hơn rất nhiều.
Nếu chi phí thuê nhà trọ của bạn quá cao so với thu nhập, hãy thử tìm một chỗ ở mới,nhỏ hơn để giảm tiền. Có thể chỗ ở mới hơi xa công ty, bạn thử kiếm một phương tiện đi lại thay thế xe máy để giảm chi phí xăng xe.
4. Xác định mục tiêu tài chính
Một bước quan trọng trong việc lập ngân sách, đó là bạn phải đưa ra một mục tiêu hướng tới trong tương lai. Dù làm bất cứ điều gì, bạn cũng cần có mục tiêu thì mới đạt được kết quả tốt đẹp chứ không phải là một bản kế hoạch mơ hồ, chẳng biết đi đến đâu.
Bạn hãy đặt các mục tiêu như:
- Trong vòng 1 năm tới, tôi tiết kiệm được bao nhiêu tiền, bao nhiêu tháng lương?
- Tôi dự định mua xe máy, tôi cần tiết kiệm như thế nào?
- Tôi cần làm gì để giảm bớt nợ nần?
- Cách kiềm chế cơn nghiện mua sắm?
Bạn không nên đặt những mục tiêu quá xa xôi, nếu như bạn còn nợ nần hay ưu tiên trả hết các khoản nợ. Sau đó, bạn mới đặt tiếp việc tiết kiệm và mua sắm thêm những đồ dùng khác phụ vụ mong muốn của bản thân.
5. So sánh thu nhập và chi phí, đưa ra định hướng tương lai
Sau các bước trên, bạn hãy thử so sánh giữa thu nhập và chi phí có bị âm hay dư ra? Nếu bị âm, bạn hãy xem xét lại các khoản chi liệu có phù hợp hay không? Hoặc mức thu nhập liệu có ổn và cần phải thay đổi? Từ đó bạn đưa ra định hướng cho tương lai của mình.
Trong quá trình lập ngân sách, đừng quên BUFF luôn đồng hành với bạn trên con đường đến với tự do tài chính, gần nhất là làm chủ tài chính của bản thân. Hãy tải ngay ứng dụng BUFF để trải nghiệm và tích lũy tiền bạc với lãi suất ưu đãi!
Ảnh: Pexels.com
(Thúy Trang)