Các trào lưu về chứng khoán, tiền điện tử ngày càng có nhiều ảnh hưởng rộng rãi tới giới trẻ. Mức độ tăng trưởng nhanh đến mức chỉ sau một đêm có thể nhân đôi tài khoản đã khiến nhiều người bỏ toàn bộ tài sản vào đầu tư chứng khoán và tiền điện tử.
Minh, 28 tuổi, sống tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp một trường đại học có tiếng ở Nhật Bản chuyên ngành đầu tư. Năm 2021, khi thấy thị trường blockchain với nhiều khởi sắc, bạn bè anh thắng đậm kiếm được cả vài tỷ đã khiến anh không thể đứng ngoài vòng xoáy này. Do có kiến thức về đầu tư từ trước nên sau một thời gian chơi anh đã kiếm được vài trăm triệu. Nhưng đến tháng 12 khi thị trường khủng hoảng anh đã mất trắng chỉ sau vài giao dịch. Không chấp nhận với kết quả như vậy, anh đi vay tín dụng đen đến khi không có khả năng trả nợ, mọi chuyện vỡ lở gia đình anh mới biết. Lúc đó, anh phải nhờ tới gia đình mới có đủ khả năng trả được hết nợ.
Trường hợp của Minh có lẽ nhiều người cũng đã từng trải qua, thắng đậm sau vài phiên giao dịch nhưng cũng dễ dàng mất trắng và bị lòng tham đẩy vào con đường nợ nần. Vậy có nên đầu tư vào những sản phẩm rủi ro khôn hay khi thấy rủi ro quá thì bỏ qua?
Thật khó để những người trẻ như chúng ta bỏ qua cơ hội kiếm tiền như vậy, nếu đã có kiến thức về đầu tư thì lại càng không. Chính vì những lý do đó, hôm nay BUFF sẽ chia sẻ đến bạn cách phân bổ tài sản đầu tư theo tháp tài sản, giúp bạn xây dựng một mô hình tài sản vững chắc như kim tự tháp.
Tháp tài sản là gì?
Tháp tài sản là một mô hình phân bổ tài sản giúp bạn hướng đến các mục tiêu tài chính thông qua việc đầu tư. Tương tự như kim tự tháp Ai Cập luôn bền vững qua hàng nghìn năm, nếu bạn biết cách ứng dụng tháp tài sản trong quản lý tài chính cá nhân thì tài chính của bạn sẽ được xây dựng trên nền móng vững chắc, với nhiều tầng xếp chồng lên nhau, tạo nên một kết cấu vững chắc.
Dựa vào các loại hình đầu tư và mức độ rủi ro, lớp dưới cùng của tháp và rộng nhất là các khoản đầu tư rủi ro thấp, bảo vệ an toàn cho nhà đầu tư. Lớp giữa là các khoản đầu tư tăng trưởng trung bình. Lớp nhỏ nhất ở trên cùng được phân bổ cho các khoản đầu tư rủi ro cao.
Mô hình tháp tài sản
Lớp dưới cùng (phần rộng nhất của kim tự tháp) hay còn gọi là lớp bảo vệ sẽ đảm bảo an toàn cho tài chính của bạn. Nó chứa các tài sản rủi ro thấp nhất như nhà ở, vàng, quỹ dự phòng, bảo hiểm (bảo hiểm sức khỏe, nhân thọ và bảo hiểm bệnh hiểm nghèo), và quỹ hưu trí…
Lớp giữa hay còn gọi là lớp tích lũy giúp phục vụ cho các mục tiêu lớn trong tương lai. Nó chứa các loại tài sản mang tính tích lũy, tăng trưởng bền vững và rủi ro trung bình như trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ, tiền gửi tiết kiệm và bất động sản dòng tiền…
Lớp cuối cùng (đỉnh của kim tự tháp) hay còn gọi là lớp đầu cơ dùng để đầu tư mạo hiểm với rủi ro cao nhưng đi kèm đó là lợi nhuận có thể rất cao. Ví dụ như cổ phiếu penny, bất động sản nghỉ dưỡng, đầu tư doanh nghiệp, tài sản số…Đây là lớp chỉ được chiếm tỷ trọng nhỏ nhất trong tháp tài sản.
Trong mỗi lớp của tháp tài sản, bạn sẽ thấy mức độ rủi ro tăng lên đi liền với việc phân bổ tổng số tiền có sẵn để đầu tư nhỏ đi. Kết quả là, càng đi lên tháp, mức độ rủi ro càng lớn tương ứng với lợi nhuận tiềm năng cũng lớn theo.
Nguyên tắc xây dựng tháp tài sản
Để xây một kim tự tháp vững chắc, bền vững theo thời gian, chúng ta cần đảm bảo 3 nguyên tắc.
Nguyên tắc 1: Đáy càng rộng càng lớn càng bền vững.
Nguyên tắc 2: Xây từ dưới lên trên, móng vững thì khi xây lên mới chắc chắn.
Nguyên tắc 3: Càng lên cao càng rủi ro nên % tỷ lệ đầu tư ở lớp trên cùng là thấp nhất.
Có nhiều cách để phân chia tỷ lệ đầu tư vào các lớp tùy thuộc vào mức độ chịu rủi ro của bạn. Theo kinh nghiệm của BUFF, bạn nên chia theo tỷ lệ 50:30:20 tương ứng với 3 lớp từ thấp lên cao. Như vậy, bạn sẽ vừa có nền móng tài chính vững chắc, vừa tự tin đầu tư mạo hiểm để có những khoản sinh lời cao.
Trên đây là mô hình tháp tài sản và ứng dụng của nó trong quản lý tài chính cá nhân. Chỉ cần bạn thực hiện quản trị tài sản theo mô hình tháp thì tài chính của bạn sẽ vững chắc như kim tự tháp. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc gì về tháp tài sản, hãy comment bên dưới cho BUFF biết nhé!
Minh Phượng