Lạm phát lối sống là việc chi tiêu tăng lên khi thu nhập của một cá nhân tăng lên. Đây là một vấn đề khá phổ biến, đặc biệt ở giới trẻ. Vậy cùng BUFF tìm hiểu chi tiết lạm phát lối sống là gì và những cách để tránh bị lạm phát lối sống trong bài viết dưới đây nhé!
Nội dung bài viết
Lạm phát lối sống là gì?
Lạm phát lối sống (lifestyle creep) là sự tăng lên về mức sống khi thu nhập cá nhân tăng lên. Có thể hiểu mức sống chính là các khoản chi tiêu, mua hàng hoá, dịch vụ. Khi mức sống tăng lên, các món hàng trước đây được coi là xa xỉ giờ sẽ trở thành nhu cầu thiết yếu.
Đặc điểm dễ dàng nhận thấy của lối sống này là thay đổi của cá nhân trong hành vi và suy nghĩ. Người có xu hướng lạm phát lối sống sẽ coi việc chi tiêu cho các khoản không thực sự cần thiết là một quyền thay vì là sự lựa chọn.
Khi thu nhập của một cá nhân tăng lên, họ sẽ dễ dàng cho rằng việc chi tiêu thêm là hoàn toàn xứng đáng. Họ nghĩ rằng bản thân xứng đáng được hưởng thụ nhiều hơn. Thay vì suy nghĩ tới những lợi ích mà việc tiết kiệm tiền thêm đem lại.
Chẳng hạn, khi thu nhập của bạn tăng lên, bạn muốn thuê một căn nhà rộng rãi tiện nghi hơn. Hay bạn muốn có thêm nhiều kỳ nghỉ, nhiều chuyến du lịch hơn. Đó chính là lạm phát lối sống.
Lạm phát lối sống có tác động xấu tới tài chính cá nhân. Nó là nguyên nhân khiến bạn có cảm giác dù thu nhập tăng nhưng bạn vẫn không cảm thấy bản thân dư dả hơn. Đây dường như là một cái “bẫy”. Vì không có khoản để dành ra nên bạn sẽ lỡ mất những cơ hội đầu tư. Thế nên bạn cần thật tỉnh táo để tránh rơi vào tình trạng này nhé!
Vì sao giới trẻ dễ bị lạm phát lối sống?
Nguyên nhân lớn nhất khiến các bạn trẻ dễ dàng bị sa vào “bẫy” lạm phát lối sống chính là khi sự xa xỉ dần trở thành bình thường mới. Nhiều bạn trẻ ngày nay có xu hướng chi tiêu phóng khoáng hơn. Và mức tăng trong chi tiêu tỉ lệ thuận với mức tăng trong thu nhập. Thậm chí mức chi tiêu tăng nhiều hơn so với mức thu nhập tăng lên.
Các bạn trẻ giải thích rằng đây là phần thưởng cho những nỗ lực của bản thân. Tuy nhiên họ không biết cách tự giới hạn bản thân. Họ thường nuông chiều cảm xúc quá mức. Chính vì thế mà chi tiêu cứ thế tăng lên. Ngoài ra, việc chi tiêu nhiều hơn không chỉ để thoả mãn nhu cầu sử dụng mà còn thoả mãn mong muốn được thể hiện bản thân.
Cứ như vậy, việc chi tiêu để thoả mãn nhiều thói quen mới khiến khoản tiền có được từ thu nhập cũng nhanh chóng hao hụt. Điều này có thể được hiểu nôm na là thu nhập tăng thêm 1 phần thì chi tiêu tăng 2 phần. Do đó, khoản tiết kiệm còn lại không còn nhiều. Và khoản dùng để đầu tư tích luỹ dường như cũng không có.
Cách thoát khỏi “bẫy” lạm phát lối sống
Quản lý tài chính cá nhân
Cách hiệu quả nhất để tránh khỏi bẫy lạm phát lối sống là học cách quản lý tài chính cá nhân một cách nghiêm túc. Bạn hãy lập một kế hoạch chi tiêu cho từng tháng và thực hiện nó. Chỉ khi bạn dành thời gian để tâm tới những khoản chi tiêu của mình thì bạn mới biết được mình cần cắt giảm chi tiêu ở khoản nào. Hơn nữa, khi bạn có một kế hoạch tỉ mỉ, bạn sẽ ý thức hơn về việc chi tiêu của mình.
Đầu tư, tích luỹ
Bên cạnh lập kế hoạch chi tiêu, bạn có thể đầu tư tích luỹ tiền online. Nếu bạn không thể kỉ luật với bản thân, hãy đầu tư tiền của mình vào app tích luỹ để vừa tiết kiệm tiền, vừa có một khoản lời từ việc đầu tư. Tuy nhiên hãy tham khảo và tìm hiểu thật kỹ các app đầu tư online để có mức lãi suất tốt và quan trọng là bạn có thể hoàn toàn tin tưởng.
Kiềm chế cảm xúc của bản thân
Hãy cố gắng kiềm chế cảm xúc của bản thân trước những cám dỗ khiến bạn chi tiêu nhiều hơn. Mỗi khi bạn định mua một món đồ, hãy dừng lại một chút để cân nhắc xem đó có thực sự cần thiết hay không. Và hãy nhớ xem lại kế hoạch chi tiêu. Đặc biệt trước những cám dỗ giảm giá, khuyến mại tại các cửa hàng.
Ngoài ra, đừng để hiệu ứng FOMO tác động đến hành vi chi tiêu của bạn. Hãy chi tiêu khi bản thân thực sự cần, thay vì nhìn vào bạn bè hay mọi người xung quanh. Mỗi người đều có nhu cầu và mức thu nhập khác nhau. Thế nên, việc chi tiêu khác nhau là điều dễ hiểu. Đừng lãng phí tiền vào những món đồ không cần thiết, mặc dù thu nhập của bạn có thể đủ cho bạn sở hữu nó. Vì cứ như vậy, bạn sẽ dần sa vào lạm phát lối sống.
Bài viết trên đây đã giải thích chi tiết về lạm phát lối sống và những cách để không bị sa vào “bẫy” lạm phát lối sống. Mong rằng bạn có thêm kiến thức bổ ích và quản lí tài chính cá nhân thật tốt. Mời bạn tham khảo thêm các bài viết khác trên chuyên trang của BUFF để khám phá thêm những kinh nghiệm quản lý tài chính cá nhân và đầu tư, tích luỹ nhé!